Thứ Bảy, 19 tháng 10, 2013

Amotizen Times: You'll Be In My Heart

Tập san NHỚ HUẾ  số 55 ,chủ đề "Bốn mùa yêu thương", NXB TRẺ tháng 10-2012.Trong tập san này,bài viết về một thời cắp sách đến giảng đường của thế hệ sinh viên Huế trước năm 1975 đã được chọn đăng.Xin giới thiệu tập sách này và cập nhật bài viết của Phan Văn Cho.Mời các bạn cùng đọc,cùng nhớ...

alt
alt
MỘT THỜI SINH VIÊN Ở HUẾ
   
alt
                           Cổng làng THANH THỦY CHÁNH(Ảnh PVC, Huế 10/4/2012)
    Những năm cuối thập niên năm 1960 đầu 1970, tôi là một học trò, rồi là một sinh viên xa nhà, xa cha mẹ, xa gia đình ở ngay trên chính quê hương mình: Xứ Huế.
   Quê nội tôi ở Cầu Ngói Thanh Toàn, quê ngoại ở Thủy Dương, hai ngôi làng cách nhau bằng những cánh đồng rộng cò bay thẳng cánh, những con sông, con hói, con mương nhận nguồn nước và phù sa bồi đắp của dòng sông mẹ tên gọi Hương Giang nhưng mang một cái tên chung là làng Thanh Thủy. Chuyện xưa kể rằng, trước đây hai làng này chỉ là một ; khi tách làm hai, làng phía Đông (Thanh Toàn) chọn tên Thanh Thủy Chánh, với suy nghĩ tui đã là chánh, tất nhiên anh phải chấp nhận là thứ, là phụ! Làng phía Tây (Thủy Dương) không dễ chịu thua, bèn chọn tên Thanh Thủy Thượng, thượng là cao, là trên, hàm ý “Tôi ở trên anh”! Chuyện chia đất, chia ruộng cũng có một giai thoại đẹp: những bậc trưởng thượng trong làng không cho đóng cọc kéo dây để phân chia đất như thông lệ, họ thống nhất cho tập trung trai tráng hai làng ra giữa cánh đồng để thi kéo co, bên nào mạnh thì được nhiều ruộng hơn. Kết quả ranh giới của hai làng là những con đường uốn lượn, quanh co còn dấu tích đến hôm nay. Cuối cùng không có chánh - phụ, không còn thấp - cao, vẫn là Thanh Thủy, với những cánh đồng xa ngút tầm mắt, chiếc nôi của những lớp lớp con dân của 12 dòng họ từ thửa nào đã theo dấu của Công Chúa Huyền Trân xuôi về Nam mở cõi. Và khi đến tuổi cuối chiều, làng Thanh Thủy Thượng vẫn là nơi đón nhận những đứa con  của làng Thanh Thủy Chánh về với đất, bởi họ cùng một nguồn gốc, chung với nhau giòng tộc. Chuyện tranh cao thấp chánh phụ, tranh đấu giành phần đất ruộng chỉ còn là một bài thơ đẹp về khí tiết của tiền nhân.
    Vào năm tám tuổi, tôi theo gia đình chuyển vào sinh sống ở Buôn Ma Thuộc, rồi về học ở Nha Trang. Bỏ ngang khoản học bổng toàn phần ở trường Trung học Võ Tánh là trường công lập nam độc nhất ở Nha Trang, tôi trở lại Huế học tiếp chỉ vì… ban đêm còn được đi học nhạc! (Khoảng thời gian này trường Âm Nhạc và Kịch Nghệ Huế còn học ban đêm). - Có đôi chút tư riêng, mong bạn đọc thông cảm, chỉ để lý giải vì sao lại là khách trọ trên chính quê mình. Bạn bè đồng học thời đó có nhiều người cùng chung cảnh ngộ: Là con em của những gia đình ở các vùng quê xa Huế; là sinh viên đến từ Quảng Trị, Quảng Nam;một số đang học dở dang thì gia đình “Nam tiến” sau những năm 1968, 1972… Cảnh phải ở nhà trọ, cư xá sinh viên, đi dạy kèm, chiếc giường đơn hoặc chiếc ghế bố nhà binh đôi lúc chen chúc hai ba đứa nằm chung là việc bình thường!
    Về chuyện ăn thì không đến nỗi nào, không đến mức phải “cơm hàng cháo chợ”, bởi thửa ấy ở Huế có hai Quán Cơm Xã Hội. Một quán ở đoạn giữa chợ Đông Ba và cầu Trường Tiền, phục vụ chung cho những người nghèo. Quán thứ hai là Quán Cơm Sinh Viên, do một vị Bác sĩ nổi tiếng ở Huế phụ trách. Quán nằm trên đường Phan Đình Phùng, đoạn giữa cầu Kho Rèn và cầu Nam Giao, có khuôn viên rộng rãi thoáng mát, bên cạnh dòng sông nắng đục mưa trong đã nổi tiếng trong thơ văn…
Ngày ấy, ở quán cơm xã hội thường xuyên có một chuyên gia về dinh dưỡng và ẩm thực phụ trách; những món ăn dù không đắt tiền, sang trọng, cầu kỳ… nhưng không nhàm chán, bởi các món ăn được thay đổi thường xuyên, được tính toán kỹ về mặt dinh dưỡng nhằm cung cấp cho những người “ít tiền” một suất ăn tối ưu nhất. Về khoản cơm thì… cứ vô tư, bởi gạo ở các quán này thường được tài trợ bằng sự vận động của những người phụ trách, sự góp sức của các cơ quan, tấm lòng thảo thơm của những người hảo tâm trong cộng đồng… Phiếu cơm có thể mua theo tháng, theo tuần, nhưng thông thường nhất là ăn hôm nay mua phiếu cho hôm sau. (Một cách quản lý bài bản và khoa học, nhằm phục vụ được số đông người và chủ động trong việc mua sắm thực phẩm hàng ngày). Những lúc hết tiền, chúng tôi hai người ăn chung một phiếu vẫn là… chuyện thường ngày của những sinh viên nghèo thửa ấy!

 
alt
Tham dự lễ tưởng niệm cụ Phan Bội Châu.Áo trắng là giáo sư Ngô Kha.
Nhóm áo đen là các học sinh năm cuối trường Kỹ Thuật Huế.Phan Văn Cho ở  ngoài cùng bên phải.
( Ảnh chụp lại từ quyển "Trịnh Công Sơn có một thời như thế" của Nguyễn Đắc Xuân , NXB Văn Học 2002 ) 
 

 
    Ở Huế thời đó có những quán cà phê nổi tiếng. Cà phê Phấn ở mặt tiền đường Trần Hưng Đạo, đoạn giữa chợ Đông Ba. Cà phê Thọ ở chân cầu Gia Hội, trong khuôn viên bến xe nội tỉnh, ở đây ngoài cà phê còn có món bánh mì jambon kiểu Pháp…thuộc loại    number one (tiếng Anh, cách nói ngắn gọn thời đó). Cà phê Bưu Điện (vì ở ngay trước Bưu Điện tỉnh). Quán này có đặc điểm là… gần như không có bàn ghế, khách uống cà phê hầu hết ngồi ở vỉa hè, bên lề đường. Quán thứ tư ở trong Thành Nội, đó là cà phê Tôn ở đường Đinh Tiên Hoàng, gần Ty Giáo Dục (cũ). Quán đông và nổi tiếng đến mức… có một ngày người ta kiểm tra, thấy trong bã cà phê có xái… á phiện! Thật, hay đùa, hoặc chỉ là chuyện cạnh tranh mua bán giữa cuộc đời… không biết được! Chỉ biết là sau sự việc này quán vẫn bán, và vẫn tiếp tục đông khách. Trong Thành Nội còn một quán rất đông khách, đó là quán Doanh Doanh, đặt theo tên một nhân vật trong “Tiếu ngạo giang hồ”, đây là nơi hội tụ của những người mê đắm truyện kiếm hiệp của Kim Dung.
alt
    Riêng lớp sinh viên hồi ấy, những quán cà phê thường ngồi nhất là cà phê số 22 Trương Định, quán chị Giang, chị Lợi. Đến đầu cầu Trường Tiền, sát khuôn viên đài phát thanh, ghé kiốt báo của “Ông Già” mua một tờ báo, ghé 22 Trương Định kiếm một chỗ ngồi… có khi suốt ngày! Tuổi trẻ đấu tranh thửa ấy không ai gọi tên, chỉ gọi hai tiếng đó là hiểu ngay. Quán tuy nhỏ, nhưng những cuốn sách, tờ báo hiếm, và cả cấm kị ở đây không bao giờ thiếu. “Bọt biển và sóng ngầm” của Lý Chánh Trung, “Cho cây rừng còn xanh lá” của Linh mục Nguyễn Ngọc Lan, “Rừng dậy men mùa” tập thơ của Đông Trình, “Cách một dòng sông” tập truyện của Trần Hữu Lục… trước khi được bán công khai đã xuất hiện tại đây. Có lẽ quán Ông Già và Trung tâm văn hóa Liễu Quán là hai nơi độc quyền phát hành tập san Đối Diện, sau này phải nhiều lần đổi tên là Đứng Dậy, Đồng Dao, Đông Dương, và ngay cả viết tắt ĐD. Tất cả thay đổi tên gọi, vài số phải in Ronéo, -có lẽ do nhà in sợ bị “cháy”vì những tuyển tập này có quá nhiều “Lửa”- chỉ nhằm mục đích là được nói, được viết, được phổ biến đến cộng đồng. Riêng với người viết, những bản in Ronéo là những bản đẹp và quý hiếm nhất, nó ngồn ngộn hơi thở của những người phụ trách và mang dấu ấn đậm nét của những người biên tập. Cũng chính tại quán Ông Già, những sinh viên Huế đã có trong tay những bản nhạc như Hát trên những xác người, Bài ca dành cho những xác người, Mưa hồng, Nguyệt ca, … của nhạc sĩ Trịnh Công Sơn, gần như khi người nhạc sĩ vừa viết xong, còn thơm mùi mực in và thủ bút của tác giả. Những cánh chim rồi sẽ bay xa, Ông Già (đôi khi là người con gái nhỏ xinh)vẫn ngồi đó, tiếp lửa cho những lớp sinh viên một thời ở Huế…

alt
Thăm lại chốn xưa:Tổng hội Sinh viên Huế,22 Trương Định.Nay là 44 TĐ.
 

 
Thế hệ tôi và bạn bè là những người tiếp sau, chậm hơn các anh Bửu Chỉ, Võ Quê, Thái Ngọc San… vài bước chân, nhưng cùng đi trên một con đường, với hào khí và trái tim nóng ngất trời của một thời tuổi trẻ Huế; có vài tên tuổi còn nhớ và được nhắc tên như Trần Phá Nhạc, Nguyễn Trường Sơn, Trần Văn Hội, Trần Hoài, Lê Thị Nhân, Lê Đình Sinh, Nguyễn Thanh Văn, Nguyễn Công Thắng… còn hầu hết chúng tôi là những “lặng thầm và vô danh” nhưng cùng chung vai sát cánh trong những ngày tháng ở giảng đường, những đêm không ngủ, những buổi xuống đường;những lần tụ họp bên máy đánh chữ, khung lụa và ngổn ngang những tờ stencil dùng để in tờ rơi, bản tin và những tờ nội san của khoa, của trường…
    Xin dừng lại đôi chút để nói về Lê Đình Sinh, đây là một sinh viên tài hoa của Đại học Sư Phạm Huế khóa 1972-1976. Nếu trước năm 1972, họa sĩ Bửu Chỉ nổi tiếng với dòng tranh bút sắt, thì sau năm 1972 khi một số lớn sinh viên bị bắt đi tù  Côn Đảo (trong đó có Võ Quê, Bửu Chỉ, Lê Thị Nhân) ở các giảng đường, trong khuôn viên, trên tường hành lang của đại học Huế nổi bật dòng  tranh  bút  mực  và  giấy  dán của Lê Đình Sinh. Đây là một dòng tranh độc đáo, với đặc điểm là nhanh, đơn giản, chi phí thấp đáp ứng tức thời cho bất kỳ sự kiện nào, nếu bị tịch thu, phá hoại thì ngay tức khắc sẽ có ngay trở lại! Chỉ với vài tờ giấy màu, lưỡi dao lam, ngòi bút mực đen; tranh cổ động của Sinh đã làm rúng động lòng người, thôi thúc tuổi trẻ Huế  đến với phong trào…;tập hợp, vận động, cùng lên đường đến các vùng xa, nơi đang có những đồng bào đang khó khăn thiếu đói vì hạn hán, vì thiên tai bão lũ. . . Trong một lần triển lãm tranh của các họa sĩ Đinh Cường, Tôn Thất Văn, Hoàng Đăng Nhuận tại Trung tâm văn hóa Liễu Quán, tấm pano giới thiệu đặt trước cổng là của Sinh! Các họa sĩ đàn anh này dư sức làm một pano đẹp, nhưng để nhanh và cuốn hút họ đã nhờ đến “tài mọn” của Sinh! Năm 1972, Sinh thi đỗ đầu vào trường Cao Đẳng Mỹ Thuật Huế, nhưng do hoàn cảnh đã học Đại học Sư phạm Anh Văn; ra trường dạy ở BMT rồi vào Sài Gòn. Có một thời Sinh phụ trách phần trang trí mỹ thuật trong chương trình nổi tiếng trên truyền hình “Trò Chơi Liên Tỉnh”của SVVN. Sau đó Sinh đã đi định cư xa xứ và…biền biệt mất dấu! Như vậy đó, Sinh chính là điển hình của những “lặng thầm và vô danh”của giai đoạn này. Hy vọng với cánh tay dài rộng của NHỚ HUẾ, những hồi âm sẽ có, dòng tranh độc đáo này của một thời sinh viên Huế sẽ có cơ may xuất hiện lại.            
    Ôi! Những quán cho sinh viên ngày ấy. Chỉ một tách cà phê, năm ba bình trà, bạn có thể ngồi cả buổi, hoặc suốt ngày. Bạn bè vẫn gặp nhau tại đây, trao đổi nhau những quyển sách, câu chuyện, bên bàn cờ tướng kẻ thẳng vào chiếc bàn nước. Chuyện học hành, thi cử, chuyện đấu tranh, cứu trợ giúp đỡ đồng bào ở những vùng khó khăn, bị thiên tai lũ lụt…
    Có một bài thơ vừa bắt gặp trên internet. Bài thơ kể chuyện mà như vẽ nên một bức tranh chân thật, sống động, bao quát chân dung của một thế hệ thanh niên miền Nam những năm trước 1975. Đây không chỉ là câu chuyện của tác giả, không chỉ của một ngôi trường ở Sài Gòn, không phải chỉ có một Bà Vú. Nó còn là câu chuyện ở Đà Lạt, ở Quy Nhơn, ở Huế… nơi có những ngôi trường, có những lớp lớp sinh viên và tấm lòng của những người chị, người mẹ, người cha như Ông Già, “mệ” Tôn, chị Giang, chị Lợi. Với một bài thơ như ri thì không phải trích dẫn, bình luận gì, chỉ còn cách ghi lại nguyên bản.
    Tác giả bài thơ là Trần Trung Đạo, người Đà Nẵng, cựu sinh viên Đại học Vạn Hạnh Sài Gòn, hiện đang làm công tác khoa học ở phương trời xa xăm… Người viết đã liên hệ qua thư điện tử và đã được tác giả Trần Trung Đạo đồng ý, xin ghi lại bài thơ này tặng bạn đọc Nhớ Huế, “một số nhiều” đang “ngồi ôm tóc trắng” nhớ chuyện ngày xưa…
alt
Ngày xưa còn trẻ,là lặng thầm và vô danh
Hôm nay tóc bạc,Xin được đồng hành cùng "những tên tuổi Huế" trên những chặng đường NHỚ HUẾ.

NHỚ CÀ PHÊ BÀ VÚ Ở ĐẠI HỌC VAN HẠNH
Tác giả: Trần Trung Đạo (Nguồn: Internet) 
Cuốn vở xích lô dày đúng 100 trang
Ghi ngang dọc mấy trăm tên con nợ
Có con nợ bỏ đi
Có con nợ còn ở lại
Có con nợ vừa trả xong
Có con nợ… cười trừ
Cuốn Sổ Đoạn Trường trông cũng dễ thương
Nhưng có khối kẻ chưa nhìn đã sợ
Thầm ước: “Tối nay trời mưa trôi giùm ông con số nợ
 để sáng mai ông hiên ngang làm lại cuộc đời”
Những chiếc ghế thấp, bàn vuông, chen lấn nhau ngồi
Trung bình một tách cà phê, bốn bình trà nóng
Vú vẫn vui như bà mẹ hiền kiên nhẫn
Gắng gượng nhìn đàn con (nợ) ký sổ mỗi ngày
Những con nợ nghèo nhưng cứ sống trên mây
Nợ Vú trả chưa xong đã bàn nợ nước
Chưa ra khỏi nhà đã tả cảnh núi rừng xuôi ngược
Vá túi chưa xong nhưng toan tính chuyện vá trời
Tương lai cụt dần như con hẻm 220
Quá khứ đen như con kênh Nhiêu Lộc
bốc mùi tanh hôi quanh năm suốt tháng
Chiều mưa lớn nước ngập cầu Trương Minh Giảng
Hai tấm ni lông không đủ che quán Vú nghèo nàn
Những đứa con (nợ) của Vú ngày nào
Lần lượt đi xa
Đứa xuống phố làm quan
Đứa lên rừng làm lính
Đứa làm báo, làm văn, làm nhạc, làm thơ, làm tiền, làm luật
Đứa thích đấu tranh nên được làm tù
Buồn cuộc đời cũng có đứa đi tu
Đôi lúc tình cờ như những chiếc lá thu
Dăm con (nợ) trở về thăm quán
Ngõ hẻm còn đây
Quán cà phê đã vắng
Nước vẫn chảy qua cầu Trương Minh Giảng
Mà Vú già xưa như mây trắng phương nào
Những con nợ nghèo giờ biết ra sao
Có còn nhớ một thời áo cơm lận đận
Nhớ Thiền Viện, Thư Viện, Giảng Đường, người yêu, bè bạn
Nhớ người đi và nhớ kẻ không về
Tiếng nhạc buồn, ai hát để ai nghe
Cuốn vở xích lô dày đúng 100 trang
Cho con trả Vú hết cả lời lẫn vốn
Vú mỉm cười: “Nơi Vú ở bây giờ không tiền vẫn sống”
Nén hương lòng,
con xin trả Vú
bằng thơ.                      

alt

Cầu Ngói Thanh Toàn trong Festival 2012 (Ảnh PVC 10/4/2012)

                                        PHANVANCHO
                                                                                                                                                                                                                 (Pleiku 19/8/2012)



Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét